( Hình Internet )
Vương Duy 21 tuổi đã thi đỗ Trạng nguyên, tên tuổi vang danh thiên hạ. Nhưng nửa đời sau lại gặp nhiều sóng gió. Từ đó, ông chợt nhận ra ý nghĩa thật sự của kiếp nhân sinh, không còn màng đến chốn thị phi, quan trường.
Năm 714, khi Lý Bạch đang ở trong núi Thanh Thành luyện kiếm, Đỗ Phủ vẫn chỉ là cậu nhóc bên bờ sông Lạc Hà, thì một thiếu niên 15 tuổi, lưng cõng một cây đàn, tay cầm một cây bút đi vào Trường An dưới thời thịnh thế.
Hai năm sau, với bài thơ “Cửu nguyệt cửu nhật ức Sơn Đông huynh đệ”, ông đã khiến cho toàn bộ giới văn học phải thán phục. Ngay tại thời điểm nhà Đường mới bắt đầu hưng thịnh lại có một thiếu niên tài hoa, kiệt xuất như thế. Ông chính là Vương Duy.
Lúc 24 tuổi, Bạch Cư Dị du ngoạn ở tháp Đại Nhạn đã viết “Từ Ân tự hạ đề danh xử, thập thất nhân trung tối thiểu niên”, ý rằng trong trong bảy mươi người đề danh dưới tháp Từ Ân, ta là người trẻ nhất. Khi đó, Vương Duy 21 tuổi đã thi đỗ Trạng nguyên, vang danh khắp thiên hạ. Đây là một khởi đầu tuyệt vời của ông, thế nhưng, nửa đời sau ông lại đối mặt với nhiều sóng gió.
Là một tân khoa Trạng nguyên, tương lai phía trước có thể nói là vô cùng xán lạn, thế nhưng ông lại vô tình phạm phải điều cấm kỵ của Đường Huyền Tông, nên đã bị đày đến một nơi khác.
Nơi ông đến cai quản cũng rất huyên náo, ông cảm thấy ở bên ngoài rèn luyện một chút cũng không có gì là xấu. Vậy nên, khi người bạn chí cốt Mạnh Hạo Nhiên thi rớt khoa cử, ông còn an ủi rằng: “Lão huynh, thi cử làm quan quá vất vả rồi, sao không về đây vui vầy giữa non xanh nước biếc?”
Vương Duy bị giáng chức hơn 10 năm. Trong “Ngẫu nhiên tác”, ông viết: “Tiểu muội ngày càng trưởng thành, huynh đệ không lấy vợ. Nhà nghèo có ít bổng lộc, phải biết tiết kiệm”. Cha mẹ Vương Duy mất sớm, huynh trưởng như cha, đến tuổi trung niên, với tư cách là chủ gia định, ông hiển nhiên phải gánh vác cho cả gia tộc.
Đến năm Khai Nguyên thứ 23, Vương Duy 34 tuổi được đề bạt làm quan bát phẩm. Từ thời khắc này, Vương Duy bắt đầu giác ngộ nhân sinh vô thường, trong lòng xem danh lợi nhẹ tựa mây bay.
Khi Vương Duy đến tuổi trung niên, một sự việc đau lòng đã xảy ra. Người vợ cùng ông trải qua hoạn nạn đã vì sinh khó mà qua đời, cốt nhục của ông cũng chết trong bụng mẹ. Tuổi trung niên vừa chịu tang vợ vừa chịu tang con, có lẽ trong cuộc đời chẳng có gì bi thảm hơn thế.
Vương Duy đã để lại vô số bài thơ, lưu truyền hơn 400 bài, thế nhưng nếu bạn tinh tế sẽ nhận thấy trong số đó lại không có bài thơ nào viết về vợ. Lẽ nào ông ấy không yêu vợ mình sao?
Vương Duy gặp vợ khi mới 13,14 tuổi. Tám năm sau ông được ghi tên vào bảng vàng, ngay cả công chúa cũng có ý muốn Vương Duy làm phò mã, nhưng ông lại không hề để tâm tới. Sau khi đăng khoa ông liền vội vã đến hỏi cưới người thiếu nữ thanh mai trúc mã của mình.
Trong bài thơ “Tương tư”, Vương Duy viết:
Hồng đậu sinh nam quốc,
Xuân lai phát kỷ chi.
Nguyện quân đa thái hiệt,
Thử vật tối tương tư.
Tạm dịch
Nước nam sinh đậu đỏ
Xuân về nở cành xinh
Người ơi hái nhiều nhé
Nhớ nhau tha thiết tình.
Đây là bài thơ Vương Duy viết cho người bạn Lý Quy Niên, nhưng người đời sau lại cho rằng đây là bài thơ nói về tình yêu của chính tác giả. Một bài thơ về tình bạn còn được miêu tả chân thành như thế, thì thơ tình yêu có thể nào làm khó được một thiên tài tuyệt thế như Vương Duy?Có người nói: “Người trầm lặng là người yêu sâu đậm nhất, người có tâm trầm lặng là người chịu tổn thương nhiều nhất”.
Nhìn lại giới thi nhân, Tô Đông Pha từng viết: “Thập niên sinh tử lưỡng mang mang, bất tư lượng, tự nan vong”, ý rằng mười năm sống chết có đôi đường, gạt nhớ thương, vẫn tơ vương.
Bạch Cư Dị cũng viết về vợ: “Sinh vi đồng thất thân, tử vi đồng huyệt trần”, ý rằng khi sống thì vui vẻ một phòng, lúc xuống mồ một nấm xương chung.
Chỉ có Vương Duy là không dùng văn tự để viết về tình yêu và nỗi đau của mình, nhưng trong sách sử ông từng để lại một bình luận về cảm xúc của mình như sau: “Cô đơn 30 năm, cả đời không lấy vợ”. Vương Duy không hề viết lời nào dành cho vợ mình, nhưng ông lại dùng quãng đời còn lại để chứng minh tình yêu sâu đậm của mình đối với vợ.
Trong cõi hồng trần cuồn cuộn, nào ai có thể giữ được điều gì lâu dài, chuyện tình cảm há có thể được như ý muốn? Nhất là khi tiến vào kiếp nhân sinh, sinh ly tử biệt luôn là một quy luật của tạo hóa.
Năm 750, Vương Duy khi này đã ở tuổi 50, ông rời khỏi nhà từ lúc 15 tuổi, cho đến lúc bấy giờ vẫn gặp nhiều thất bại, ông liền trở về nhà thăm người thân, nhưng lại gặp cảnh con cái muốn phụng dưỡng mà song thân chẳng đợi được.
Mẹ của Vương Duy trước lúc qua đời có hỏi ông rằng: “Con có biết vì sao mẹ đặt tên con là Vương Duy, tự Ma Cật không?”.
Vương Duy đột nhiên hiểu ra, “Duy Ma Cật” là cao tăng người Ấn Độ, mẹ ông đã lấy tên của một vị cao tăng đặt cho ông, còn nhắc ông phải đọc thuộc Duy Ma Cật Kinh.
“Duy Ma Cật” có nghĩa là không nhiễm ô, hay “thanh tịnh”. Mẹ ông học Phật mấy chục năm, nên đã hướng cho ông đến với con đường giải thoát, dạy ông biết lấy khổ làm vui, xem nhẹ thị phi thành bại.
Lúc tuổi già, Vương Duy trở lại làm quan, và quan lộ càng ngày càng thăng tiến. Tuy nhiên, sau khi nhìn thấy nhân sinh vô thường, ông đã không còn quan tâm đến những thị phi chốn quan trường nữa.
Vãn niên duy hảo tĩnh,
Vạn sự bất quan tâm.
Tự cố vô trường sách,
Không tri phản cựu lâm.
Tùng phong xuy giải đái,
Sơn nguyệt chiếu đạn cầm.
Quân vấn cùng thông lý,
Dịch thơ
Cuối đời thích nhàn an
Vạn sự không để tâm
Không có chi kế sách
Trở về chốn sơn lâm
Gió thông thổi tung áo
Trăng núi chiếu đàn cầm
Anh hỏi lẽ cùng khốn
Ngư ca từ xa xăm.
Từ đó về sau, ông có việc thì vào triều, không có việc liền về nhà, rảnh thì vẽ tranh, nghiên cứu Phật học, dốc lòng tu luyện trên Võng Xuyên thuộc núi Chung Nam.Vương Duy sống cuộc sống vừa làm quan vừa ở ẩn, mỗi ngày bãi triều về phủ, liền thắp hương tĩnh tọa, gạt bỏ vọng niệm, tụng niệm kinh Phật. Với cảnh giới tâm siêu nhiên, tu tâm hướng thiện, yên tĩnh xa xôi, ông đã cảm nhận được ý nghĩa chân thực của sinh mệnh và sự thần diệu của thế giới, lắng nghe được nốt nhạc đến từ thiên thượng.
Do trong các lĩnh vực thơ thư họa nhạc, ông đều đạt được những thành tựu lớn, nên được Tô Thức khen ngợi là “Vị Ma Cật chi thi, thi trung hữu họa; quan Ma Cật chi họa, họa trung hữu thi”. Ý rằng thưởng thức thơ Ma Cật, trong thơ có tranh. Ngắm nhìn tranh Ma Cật, trong tranh có thơ.
Ông hiểu rõ rằng hết thảy mọi việc trong nhân gian đều có quan hệ nhân duyên và đạo lý thiện ác hữu báo. Ông nhiều lần khuyên nhủ các bằng hữu nên tín Phật Pháp, tu dưỡng tâm tính, từ bi tâm chí, nhất định không được chấp trước vào danh lợi, nếu không sẽ tự mình chuốc lấy tai họa.
So sánh với sự kiêu ngạo của Lý Bạch, sự thâm trầm của Đỗ Phủ, thì cuộc sống của Vương Duy tự do và thoải mái hơn, ông là một người quân tử tự do giống như những đám mây.
Có thể nói nhân sinh chính là một phần độ lượng, một phần minh bạch: Tâm không rối loạn, không lụy vì tình, không sợ tương lai, không hoài niệm quá khứ, như thế mới có thể thong dong giữa sóng gió cuộc đời.
Tuệ Tâm, theo Onesiteworld
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét