Chủ Nhật, 2 tháng 7, 2017

DŨNG KHÍ LỚN NHẤT ĐỜI NGƯỜI LÀ NHẬN SAI, KẺ THÙ LỚN NHẤT ĐỜI NGƯỜI LÀ CHÍNH MÌNH

Kết quả hình ảnh cho SEN DEP


Khi hiểu thấu được những lý lẽ này, chẳng phải tìm đâu xa, rất có thể bạn đang tiến đến rất gần cái gọi là hạnh phúc. 
 
1. Tu dưỡng lớn nhất đời người là khoan dung, tha thứ
 
Có thể bạn thường nghe được những câu thế này: “Anh ta, cô ấy quả là một người tu dưỡng tốt!“. Vậy tu dưỡng lớn nhất của đời người ta là gì? Đó chính là khoan dung, tha thứ.
Người có tu dưỡng, đức hạnh thì luôn nghiêm khắc với chính mình và lấy lòng khoan dung để ứng xử với mọi người. Dù người khác có đối đãi với mình tốt hay không, ta đều có thể bao dung, độ lượng họ, lấy nhân nghĩa cảm hóa họ. Bao dung, khoan thứ chính là tài sản lớn của đời người.
 
2. Thu hoạch lớn nhất đời người là biết đủ, biết hài long
 
Ai cũng đều muốn bản thân mình có được tiền bạc, nhà cửa, công thành danh toại, sống thoải mái ở đời. Nhưng biết đủ, biết thỏa mãn mới là thu hoạch lớn nhất đời người.
Người không biết đủ, dù sống trong nhung lụa vẫn cứ thấy thiếu thốn, ngồi trên đống vàng mà lòng bứt rứt không nguôi. Không biết đủ, họ nhìn vào đâu cũng thấy thiếu.
Trái lại, người biết hài lòng, biết dừng lại dù phải chịu cảnh nghèo khó vẫn luôn mỉm cười, dù ăn rau, ngủ đất vẫn vui như sống giữa hoàng cung. Vậy mới thấy, cái tâm kia thực sự quyết định vận mệnh và hạnh phúc của người ta đến chừng nào.
 
3. Mỹ đức lớn nhất đời người là từ bi
 
Có dung mạo đẹp hay thật nhiều của cải, tài năng hẳn là điều con người luôn mong muốn. Nhưng những thứ đó không làm nên mỹ đức của một người.
Lòng từ bi mới là điều làm nên phẩm chất đích thực của con người. Dù không có tài cán, sống đời nghèo khổ, người ta cũng luôn phải giữ được sự từ bi, tấm lòng thiện lương với người khác.
 
4. Niềm vui lớn nhất đời người là tu hành 
 
Con người thường tìm kiếm niềm vui ở những thứ bên ngoài. Thực sự cũng có nhiều thứ nhỏ nhoi khiến họ cảm thấy được an ủi, ví như nghe được một câu khen ngợi, đạt được một lợi ích nhỏ bé nào đó, được đi du lịch, có được chút tiền… Nhưng đó thực ra chỉ là những niềm vui thoáng chốc, dễ dàng tan biến, chỉ nháy mắt là vụt qua, biến mất.
Niềm vui lớn nhất của đời người chính là an lạc trong tu hành. Người tu hành hiểu rõ được đạo trời, biết buông xả những dục vọng vì thế mà có đời sống tinh thần viên mãn. Khi cả xã hội nhân loại quay cuồng trong dục vọng, khi đạo đức thế gian đang dần tụt dốc, người tu hành vẫn giữ vững được mình, lại có thể phổ độ chúng sinh, mang đến lợi ích cho người khác.
 
5. Tâm bệnh lớn nhất đời người là ích kỷ
 
Sự ích kỷ thực sự mang đến nhiều phiền toái cho bạn, là một thứ tâm bệnh nan y. Cái mỏi mệt của thể xác, sự già nua của bản thân không hề đáng sợ như cái bệnh trong tâm kia. Ích kỷ khiến tấm lòng mãi nhỏ hẹp. Tâm không rộng thì không thể dung chứa được người khác. Không dung chứa được người khác thì ắt là cũng không thể thành tựu sự nghiệp trong đời.
Người xưa nói, biển rộng là vì biết thu nạp nước ở muôn sông, núi cao chính vì không chê đất bồi. Người độ lượng, khoáng đạt bao giờ cũng dung nạp được nhiều tấm lòng trong thiên hạ vậy.
 
6. Phiền não lớn nhất đời người là dục vọng, ham muốn
 
Đời là bể khổ, đúng, nhưng sở dĩ người ta phải chịu khổ đau cũng chính là tự mình gây ra. Dục vọng, ham muốn về tiền tài, sắc đẹp, thức ngon vật lạ, quyền lực, địa vị… rất mau chóng sẽ dẫn người ta đến gần với phiền não và thống khổ hơn.
Không đạt được những thứ đó thì đương nhiên là thống khổ. Nhưng kể cả khi đã đạt được rồi, người ta vẫn lo lắng, phiền não, hoặc là lo trăm phương nghìn kế ôm giữ, bảo toàn của cải, quyền lực, hoặc là lòng tham không đáy, có một lại muốn hai. Thế nào thì người ta cũng đều bị dục vọng ấy hành hạ cả đời.
 
7. Kẻ thù lớn nhất đời người là chính mình 
 
Nhắc đến kẻ thù, người ta vội nhìn ra xung quanh, dò xét những người lân cận “Ai là kẻ thù của ta nhỉ?“. Nhưng có một điều rất ít người biết, kẻ thù lớn nhất chẳng ở đâu xa, mà chính là bản thân họ. Kẻ thù bên ngoài dễ phòng bị, kẻ thù trong tâm chẳng dễ nhận ra.
Con người có phần thiện và phần ác đồng thời tồn tại, kiềm chế, chi phối hành động. Chẳng mấy ai nhận ra những ham muốn, dục vọng, oán hận, tham lam của cá nhân lại chính là kẻ thù của họ. Vì nó sẽ dẫn người ta đến cái dốc của sự băng hoại đạo đức, dẫn người ta lệch sang những điều tà.
 
8. Đau thương lớn nhất đời người là vô tri
 
Mất đi người thân không phải là nỗi đau lớn nhất, thậm chí cái chết cũng không đau đớn như người ta vẫn tưởng. Đau thương lớn nhất chính là sống giữa cuộc đời mà không hiểu lý lẽ, không nhìn được chân tướng thế gian, không nhìn rõ người, thậm chí không tự nhìn nhận được chính mình. Đó chính là vô tri.
Không tiền bạc, địa vị, của cải, quyền lực, bạn vẫn có thể sống đàng hoàng ở đẳng cấp của mình. Nhưng người vô tri thì khác gì kẻ mù đi trong đêm, dẫu có đốt đuốc soi đường thì nào tìm được chân lý đây?
 
9. Thất bại lớn nhất đời người là ngạo mạn
 
Ngạo mạn là một thói quen của kẻ mạnh. Nhưng ngày nay kẻ yếu cũng có kiểu ngạo mạn của riêng mình. Tự cao tự đại, không biết khiêm nhường, coi người bằng nửa con mắt, khoác lác huênh hoang, đều là thói tính của kẻ tiểu nhân, kẻ không làm được việc lớn.
Người quân tử thì khoan hòa, khiêm tốn, biết tiến biết lùi, hàm dưỡng, đức độ, đi đến đâu cũng chiếm được trái tim, sự tin tưởng của mọi người.
 
10. Dũng khí lớn nhất đời người là nhận sai
 
Theo nghĩa thông thường, nhiều người sẽ hiểu dũng khí tức là tay đấm, chân đá, đọ sức một phen, tranh tài cao thấp, hoặc là khua môi múa mép, tranh cãi đôi co, đấu nhau khẩu khí. Kỳ thực đó chỉ là cái dũng của kẻ thất phu hoặc của phường tiểu nhân a dua.
Dũng khí lớn nhất của người ta chính là tự nhận ra được sai lầm của bản thân mình, biết hối hận, phản tỉnh, dám đứng trước mặt nhiều người thừa nhận sai lầm.
Cái dũng ấy không phải ai cũng làm được. Vì thừa nhận sai lầm là một việc có thể ảnh hưởng tới danh tiếng, liêm sỉ của người ta, khiến người ta phải đối diện với nguy cơ bị bêu riếu, gièm pha, khinh ghét. Nhưng vượt qua được những mặc cảm đó, thẳng thắn nhận lỗi, tìm cách sửa sai mới chính là phong thái của người đứng đắn, chính trực vậy.
                                                                                                                           Văn Nhược 

Không có nhận xét nào: