Thứ Bảy, 10 tháng 6, 2017

CÔ GÁI TRẺ MỜI NGƯỜI ĐÀN ÔNG LANG THANG BỮA TRƯA, ĐIỀU ÔNG TIẾT LỘ SAU ĐÓ THẬT ĐÁNG SUY NGẪM

                                         
Liệu có một lúc nào đó, bạn rất muốn giúp một người ăn xin trên đường, nhưng rồi sự e sợ vẻ ngoài nhem nhuốc của họ đã đẩy bạn bước qua họ với một bộ mặt lạnh lùng? Cô gái xinh đẹp trong câu chuyện dưới đây đã chiến thắng được nỗi sợ ấy để khám phá ra những điều đẹp đẽ đầy bất ngờ.

Vào đầu giờ chiều ngày 6 tháng 5, Faye lúc đó đang ở trong trung tâm thương mại và phân vân lựa chọn một quán để ăn trưa. Bỗng một người đàn ông nhỏ bé, đôi mắt hiền lành những buồn bã tiến lại gần cô.

Ông hỏi Faye một cách nhẹ nhàng, bằng một thứ tiếng anh vô cùng lưu loát khiến cô ngạc nhiên: “Cô ơi, tôi xin lỗi nhưng tôi có điều này muốn nói với cô. Xin cô đừng nổi giận và thứ lỗi nếu tôi đã làm phiền. Tôi không xin tiền mà chỉ muốn xin một chút thức ăn vì tôi đói quá”.

Faye ngừng lại đôi phút vì chưa biết sẽ phải giúp đỡ ông lão bằng cách nào. Bỗng cô nhận ra mình đang đứng rất gần một quán ăn nhanh. Cô chỉ tay về phía quán và ngỏ lời mời ông lão dùng bữa trưa. “Cô nói thật ạ?”, ông lão nhìn cô rơm rớm, Faye có thể cảm nhận được niềm vui của ông qua đôi mắt ngấn lệ.

Cô gái trẻ mời ông lão ngồi chờ ở một chiếc bàn, trong lúc đó, cô đi xếp hàng đặt món ăn. Faye đang đứng chờ tới lượt, bỗng nhiên ông lão xuất hiện bên cạnh cô như sợ cô đi mất. Faye hiểu rằng có lẽ đã rất nhiều lần ông lão phải đi xin đồ ăn và chỉ nhận được sự từ chối. Cô cảm thấy thương cảm cho ông hơn…


Faye mời ông lão một đĩa cơm gà. Đây có thể là bữa ăn đủ đầy mà lâu lắm rồi ông lão mới được thưởng thức. Ông nhìn đĩa cơm và cô gái với một vẻ biết ơn sâu sắc, bởi một người xa lạ như cô lại có thể dành thời gian và tiền bạc giúp đỡ gã vô gia cư đen đúa nhếch nhác như ông.

Trong bữa ăn, hai người trò chuyện rất vui vẻ. Bất ngờ thay, trái với vẻ bên ngoài không có gì đặc biệt của mình, người đàn ông có một câu chuyện rất thú vị để sẻ chia. Ông lão từng tốt nghiệp ngành Kinh tế – Đại học Ateneo de Manila (Philippines), và từng là giảng viên tại ngôi trường này. Ông cũng tâm sự về cuộc đời thăng trầm của mình…

Năm nay, ông Jansen Locsin (tên của ông) đã 70 tuổi, không vợ, không con. Ông đang sống cùng với một người đàn ông lớn tuổi khác. Ông không sinh ra tại thành phố Cebu này. Nhiều năm trước, ông đã tới đây với dự định gây dựng một sự nghiệp vững chắc và thực hiện hoài bão của mình. Thật không may mắn, công việc kinh doanh của ông bị phá sản. Ông lâm vào cảnh màn trời chiếu đất từ đó.

Ông Jansen chia sẻ với Faye rằng ước mơ duy nhất bây giờ của ông là có thể xin đủ tiền để trở về đoàn tụ với người mẹ già sống cô độc tại quê nhà Bacolod.

Nhưng ông Jansen không dành cả buổi trưa chỉ để nói về cuộc đời của mình. Khi biết Faye vẫn còn là một sinh viên, ông đã nhắn nhủ cô một cách rất chân thành: Hãy nỗ lực thật nhiều trong việc học, bởi giáo dục là một nền tảng quan trọng cho mọi sự sau này.


Ông còn chia sẻ với Faye vốn hiểu biết của mình về các vấn đề kinh tế. Faye đi hết từ ngạc nhiên này tới ngạc nhiên khác, cô rất khâm phục trí nhớ cũng như khả năng dùng tiếng anh chuẩn mực của ông. Buổi trò chuyện của họ diễn ra thật tự nhiên và vui vẻ. Faye như đang được nói chuyện với ông mình và dường như không còn ai nhớ đến việc ông Jasen là một người vô gia cư.

Trước khi chào tạm biệt, Faye đã mua một chai nước cho ông Jasen. Cô còn biếu ông 100 peso, đó không phải là một số tiền lớn, nhưng cô hy vọng nó có thể giúp ông phần nào. Tatay Jansen đã rất lưỡng lự và gần như không muốn nhận số tiền. Chỉ đến khi Faye nói với ông rằng, cô cảm thấy hạnh phúc khi được làm một điều gì đó cho người khác, ông mới đồng ý. Trong mắt ông, cô lại thấy lấp lánh những giọt nước mắt nhỏ.

Không hiểu sao, nhưng đối với Faye, nói lời tạm biệt lúc ấy lại là một việc không dễ dàng. Cô chỉ vừa mới làm bạn với ông. Cảm giác làm bạn với một ai đó trong khoảnh khắc như bữa trưa này có lẽ sẽ là một điều rất khó quên.

Tatay Jansen khi nói lời tạm biệt đã cảm ơn Faye một cách rất chân thành. Ông cảm thấy biết ơn cô gái rất nhiều, bởi cô không chỉ mời ông bữa trưa, mà còn ngồi ăn cùng ông, trò chuyện với ông không phân biệt đối xử. Ông nói rằng, ông sẽ luôn cầu nguyện cho cô vì tấm lòng ấm áp và những khoảnh khắc tuyệt vời cô dành tặng ông.

Tatay cũng không quên xin số điện thoại của Faye trước khi rời đi, ông nói rằng ông muốn chào tạm biệt cô nếu một ngày nào đó, ông có cơ hội rời Cebu để trở về quê hương. Faye chia sẻ: “Trái tim tôi như thắt lại khi nhìn thấy Tatay vẫy chào tạm biệt”.


Faye kết thúc chia sẻ của mình bằng cách nhắn nhủ với bè bạn trên mạng xã hội, nếu ai biết được người thân của Tatay ở đâu, hãy tới tìm ông. Tatay hiện giờ rất mong được trở về nhà. “Tôi sẽ luôn cầu nguyện cho Tatay được khỏe mạnh và bình yên, cũng mong Tatay được đoàn tụ với gia đình càng sớm càng tốt. Tatay hẹn sớm gặp lại.”

Câu chuyện của Faye đã lan truyền trên mạng xã hội với những thông điệp hết sức tốt lành về tình cảm giữa người với người. Vượt qua được rào cản của vẻ bề ngoài, của những khác biệt về vị trí xã hội, Faye phát hiện ra ẩn đằng sau người vô gia cư lấm lem ấy là một câu chuyện, một cuộc đời, và hơn hết, là một trái tim ấm nóng luôn khao khát được sẻ chia.


Qua câu chuyện của Faye bạn có nhận ra một điều: Ai cũng có điều gì đó để trao đi, kể cả một người không nhà, không cửa. Và trao đi cũng là khi ta dũng cảm bước ra khỏi ranh giới an toàn của mình để mang sự tốt đẹp và ấm áp tới cho người khác. Khi ấy bạn sẽ thấy, chỉ một hành động nhỏ cũng đủ trở thành “tia nắng đầu tiên của mùa xuân”. Tia nắng khiến cho băng tan và những mầm cây thức giấc. Cuộc sống của chúng ta, cần lắm những tia nắng như vậy, để đánh thức mùa xuân thiện lương trong mỗi con người.

                                    Nguồn ảnh: Dẫn qua ĐKN Inspired
                                                   Hải Lam tổng hợp 

Không có nhận xét nào: