SỰ HOÀN HẢO VÀ MẶC CẢM
Thiền Sư
Ajahn Brahm
Sau khi mua đất để xây tu viện vào năm 1983, chúng
tôi hết sạch tiền. Chúng tôi lâm vào hoàn cảnh nợ nần. Miếng đất trống trơn,
chẳng có nhà cửa gì cả, một túp lều cũng không. Những tuần sau đó chúng tôi
không có giường để nằm mà phải ngủ trên những tấm cửa cũ mua rẻ từ một vựa phế
liệu và chúng tôi kê gạch bên dưới các góc để nâng nó lên cao một chút.
(Dĩ nhiên là không có nệm vì chúng tôi là những tu
sĩ trong rừng.)
Vị viện chủ được dành cho tấm cửa đẹp nhất, một tấm
cửa phẳng phiu. Còn tấm cửa của tôi thì có một lỗ trống ở giữa do trước kia đó
là chỗ tra bộ khóa. Tôi nói đùa rằng khi ngủ dậy tôi không cần bước xuống
giường để đi vệ sinh. Thật ra thì buổi tối rất lạnh vì gió luồng qua lỗ trống
đó thổi lên khiến tôi ngủ không yên.
Chúng tôi là những tu sĩ nghèo cần cất nhà nhưng
không đủ tiền để thuê thợ xây – đối với chúng tôi tiền mua vật liệu xây dựng
cũng hầu như vượt quá khả năng rồi. Vì thế chúng tôi phải học cách xây: nào là
đào móng, trộn hồ, đặt gạch, nào là cất mái, lắp ống nước – nói chung là tất cả
mọi công việc. Hồi chưa xuất gia tôi học vật lý và là một giáo viên trung học,
chưa biết lao động chân tay. Thế nhưng sau vài năm sống ở đây tôi đã
trở thành thợ khéo, và thậm chí gọi nhóm xây dựng của chúng tôi là BBC
(Buddhist Building Company – Công ty Xây dựng Phật giáo). Nhưng nhớ lại khi mới
bắt đầu thật là khó khăn.
Mới thoạt nhìn thì việc xây tường đâu có gì khó: chỉ
lót một lớp hồ mỏng bên dưới, một chút ở hai bên, một lớp ở trên. Thế nhưng khi
bắt tay đặt viên gạch lên thì công việc hóa ra không dễ : tôi gõ nhẹ ở một đầu
cho bằng thì đầu kia nhô lên. Tôi gõ đầu kia xuống thì viên gạch chệch ra,
không còn thẳng hàng nữa. Sau khi gõ lại cho ngay ngắn thì ở góc nó lại hơi
vênh. Bạn cứ thử làm đi thì biết.
Là thầy tu tôi có thì giờ lẫn sự kiên nhẫn cần thiết
để tiến hành công việc. Thế nên tôi cẩn thận từng chút để mọi viên gạch đều
ngay hàng thẳng lối dù mất thời gian bao lâu cũng được. Cuối cùng tôi cũng xây
xong bức tường đầu tiên và đứng lùi ra mấy bước để ngắm nhìn. Chỉ lúc đó tôi
mới thấy – Mô Phật ! – có hai viên gạch bị lệch. Thật là xấu xí khủng khiếp. Nó
làm hỏng cả bức tường. Thật là quá dở.
Nhưng lúc đó thì vữa đã đông cứng rồi không thể gỡ
hai viên gạch đó ra được. Thế nên tôi xin phép thầy Viện chủ cho đập bỏ bức
tường để xây lại. Tôi thật là vụng về và lấy làm xấu hổ. Nhưng thầy Viện chủ
không cho.
Sau này khi dẫn khách đi xem công trình tôi tránh để
khách đi ngang qua bức tường đó. Tôi không muốn người ta nhìn thấy nó. Nhưng
một hôm, sau khi xây xong chừng ba bốn tháng tôi đi cùng với một vị khách đi
xem và vị ấy nhìn thấy bức tường.
Ông ta khen ngợi, “ Bức tường này xây đẹp đó.”
Tôi ngạc nhiên hỏi, “ Đạo hữu có bỏ quên kính trong
xe không? Hay là mắt của đạo hữu có làm sao? Đạo hữu có thấy hai viên gạch lệch
kia không? Nó làm xấu cả bức tường.”
Những gì ông ta nói sau đó làm thay đổi quan niệm
của tôi về bức tường, về cách tôi nhìn chính mình và cả cách nhìn đời. Ông ta
nói, “ Có, tôi có thấy hai viên gạch xây lệch đó. Nhưng tôi cũng thấy 998 viên
gạch xây ngay hàng thẳng lối.”
Tôi hết sức kinh ngạc. Đó là lần đầu tiên trong vòng
nhiều tháng tôi nhìn thấy được những viên gạch khác ngoài hai viên bị lỗi kia.
Phía trên, phía dưới, ở hai bên hai viên gạch lệch là những viên gạch tốt, được
xếp ngay ngắn. Ngoài ra, những viên gạch xây tốt chiếm một số lượng nhiều hơn
hai viên gạch xấu rất nhiều. Thế mà trước đây mắt tôi chỉ tập trung nhìn hai
viên gạch hỏng thôi. Tôi không nhìn thấy cái gì khác. Đó là lý do khiến tôi
không thích nhìn bức tường, cũng không thích mọi người nhìn thấy nó. Đó là lý
do khiến tôi muốn đập bỏ nó. Bây giờ khi tôi có thể nhìn thấy những viên gạch
khác thì bức tường trông cũng không tệ lắm. Mà ông khách còn khen là xây đẹp
nữa đấy. Hai mươi năm sau bức tường vẫn còn đó nhưng tôi không còn nhớ hai viên
gạch xấu nằm ở đâu. Tôi không còn nhìn thấy lỗi lầm.
Có bao nhiêu người đã cắt đứt mối quan hệ hay đi đến
ly dị bởi vì họ nhìn thấy “hai viên gạch xấu”? Bao nhiêu người trong chúng ta
đây đã từng thất vọng, thậm chí nghĩ đến việc tự tử, chỉ vì thấy trong ta “hai
viên gạch xấu”? Sự thật là có nhiều viên gạch tốt, hoàn hảo, ở bên trên, bên
dưới, ở khắp xung quanh viên gạch lỗi – nhưng chúng ta có lúc không nhìn thấy.
Thay vào đó, mắt chúng ta chỉ tập trung nhìn vào chỗ không tốt. Chúng ta chỉ
thấy lỗi lầm và chúng ta nghĩ tất cả đều xấu, thế cho nên chúng ta muốn đập bỏ.
Và đôi khi, thật đáng tiếc, là chúng ta phá hủy cả “một bức tường đẹp”.
Tất cả chúng ta đều có hai viên gạch xấu, nhưng
những viên gạch đẹp trong mỗi người chúng ta lại rất nhiều, nhiều hơn những
viên gạch xấu. Khi chúng ta thấy được điều này thì sự việc không đến nỗi tệ.
Không những chúng ta có thể làm lành với mình, với những lỗi lầm của mình, mà
còn có thể làm hòa với người khác. Đây là một tin tức không tốt đối với giới
luật sư, nhưng là một tin tốt lành cho tất cả các bạn.
Tôi đã kể lại câu chuyện này nhiều lần với những
người xung quanh. Một hôm, có một người thợ nề bước đến gần và nói cho tôi nghe
một bí mật nghề nghiệp. “Tất cả thợ nề chúng tôi đều phạm lỗi, nhưng chúng tôi
nói với khách hàng là nó làm cho ngôi nhà có một “nét độc đáo” không có nhà nào
khác có được. Thậm chí chúng tôi còn đòi thêm vài ngàn đô la vì nét độc đáo
này!”
Vậy thì “nét độc đáo” trong ngôi nhà của bạn thoạt
đầu có thể là một lỗi lầm. Tương tự như thế, bạn có thể xem các lỗi lầm của bạn,
của bạn bè, và của cuộc đời nói chung là những “nét độc đáo” làm phong phú cái
toàn thể - một khi bạn không tập trung nhìn vào những lầm lỗi .
Trần Ngọc Bảo
Trích dịch từ cuốn “Who Ordered This Truckload of
Dung?”
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét