Theo Đạo Phật, con người là một loài trong sáu cõi luân hồi mà chúng sinh phải trải qua để trả những nghiệp báo của mình vào những kiếp trước. Dù cuộc sống có ít vui nhiều khổ, nhưng con người lại là chúng sinh có khả năng tu hành để giải thoát, để thành Phật, thành Bậc Giác Ngộ. Ngay cả những chúng sinh ở cõi sung sướng khác như cõi trời muốn thành Phật cũng phải sinh lại về cõi người để tu và mới đạt được Đạo
Phần I: Nhân sinh quan
-Theo Duy Thức Học.
-Thập Nhị Nhân Duyên
-Duyên Khởi.
-Nghiệp -Luân Hồi.
-Khổ (Khổ đế);
-Nguyên nhân của khổ (Tập đế).
-Chỉ con người mới tu được!
Theo Đạo Phật, con người là một loài trong sáu cõi luân hồi mà chúng sinh phải trải qua để trả những nghiệp báo của mình vào những kiếp trước. Dù cuộc sống có ít vui nhiều khổ, nhưng con người lại là chúng sinh có khả năng tu hành để giải thoát, để thành Phật, thành Bậc Giác Ngộ. Ngay cả những chúng sinh ở cõi sung sướng khác như cõi trời muốn thành Phật cũng phải sinh lại về cõi người để tu và mới đạt được Đạo. Sáu cõi luân hồi đó là: Thiên (Trời), A-Tu-La (Thần), Nhân (Người), Súc sinh (Loài vật), Ngạ quỷ (Quỷ đói), và Địa ngục.
I-Theo Duy Thức Học:
Như trong phần "Nhập Thế Gian" chúng ta thấy rằng con người, chúng sinh và vũ trụ được thành hình vì do sự "Vô minh" của tâm, tâm không thấu rõ "sự" và "lý" của pháp mà đã "vọng động" có "tâm phân biệt" và ‘vọng tưởng’ để từ đó làm duyên khởi cho bao nhiêu duyên khởi khác hiện ra (trùng trùng duyên khởi) và đưa chúng sinh vào vòng "luân hồi sinh tử", khó thoát ra được.
Và cũng trong phần đó, chúng tôi đã cố gắng dẫn chứng bằng những đoạn Kinh mà Đức Phật đã giải thích về sự "ra đi" từ nơi nguồn gốc để vào "vòng luân hồi sinh tử". Như thế, chúng ta đã biết vì "trong một lúc" vọng động, phân biệt của Chơn tâm mà chúng sinh đã mượn đến tứ đại (đất, lửa, gió, nước) để kết hợp thành thân xác của mình. Với thân xác nầy đã "trói buộc" chơn tâm trong khuôn khổ, không vượt ra khỏi giới hạn của nó; vì vậy chơn tâm mất hẵn bản chất "tự sáng suốt, chiếu soi" và không còn "tự tại cùng hư không", tức là không thể lớn bao trùm cả hư không hay nhỏ ngồi trong hạt bụi vi trần được nữa. Cái "chơn tâm" bị mê muội đó đã trở thành "vọng tâm" để ôm lấy cái thân "tứ đại" vay mượn mà cứ ngỡ là thân thật của mình, để rồi yêu mến nó, phải làm lụng cực nhọc, săn sóc cho nó, tìm đủ mọi cách để chiếm hữu các thứ nhằm cung phụng cho cái thân giả tạm. Mọi chúng sinh trong "tam giới" còn luân hồi sinh tử đều là do "Tâm" ở nơi "vọng tâm" nầy mà sinh ra (Tam giới do tâm); nhưng thế nào lại là "vạn pháp do thức"? Cũng trong phần Nhập thế gian, chúng ta còn thấy "Vọng tâm" của chúng sinh lại mượn Kiến đại để "nhận thức" thấy, nghe, hay biết để làm "thức" cho mình. Điều nầy có nghĩa là chúng sinh chỉ có "thức" khi đã là chúng sinh ở trong tam giới; chính nhờ "thức" nầy mà con người, chúng sinh biết chọn con đường tu hành, chọn "pháp" để mà giải thoát, để về trở lại với Chơn Tâm. Thế là biết được "vạn pháp" cũng do "Thức", cho nên "Vạn pháp do thức" là vì vậy! Cũng kể từ đó chúng sinh có "Tâm" và "Thức" hay gọi chung lại là "Tâm thức" (khác với Thức tâm, thức tâm hay là chơn tâm là một trong 7 đại). Ngoài ra, chúng sinh và con người còn vay mượn "hư không" để thân thể được tăng trưởng lớn lên, đi đứng nằm ngồi. Nếu không có "tính hư không" thì thân thể không thể di động hay tăng trưởng. "Thức" đã đóng góp phần quan trọng vào sự "cấu thành" chúng sinh và con người, cho nên tìm hiểu "Duy Thức" cũng là điều cần thiết của chúng ta vậy!
Nếu "Tâm" khi chưa vào cõi luân hồi thì nó chỉ là "Tâm" với đầy đủ tính chất của nó. Đức LụcTổ Huệ Năng đã diễn tả về cái Tâm, cái Tự Tánh ấy như sau:
Hà kỳ Tự Tánh bổn tự thanh tịnh
Hà kỳ Tự Tánh bổn bất sanh diệt
Hà kỳ Tự Tánh bổn tự cụ túc
Hà kỳ Tự Tánh bổn vô động diêu
Hà kỳ Tự Tánh năng sanh vạn pháp.
(Cái Tâm của ta tự nó vốn là thanh tịnh, không sanh không diệt, có đầy đủ tất cả tự nó không lay chuyển, nhưng lại "năng sanh vạn pháp" quyền biến vô cùng).
Nhưng khi chúng sinh vào cõi "sinh tử luân hồi" rồi, thì cái tâm ấy bị trói buộc trong thân thể "tứ đại", không vượt thoát ra ngoài được và "cái nhận biết" không qua khỏi các giới hạn của "căn, trần" mà "thân xác" đã cho phép. Các thức ấy là gì?
Khi chúng sinh được thân tứ đại; trên thân có được 6 giác quan, 6 giác quan ấy tiếp xúc với 6 trần cảnh bên ngoài để từ đó có thể nhận thức được vũ trụ, vạn vật chung quanh mà trong Duy thức kể đó là:
- Sắc pháp (11): sắc pháp gồm có 5 căn (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân hay tiếng Hán là nhãn, nhĩ, tĩ, thiệt, thân- không có ý vì ý đã nằm trong các "thức" chính yếu tức là Tâm Vương) và lục trần: sắc trần, thinh trần, hương trần, vị trần, xúc trần và pháp trần tức là những đối cảnh của vật chất bên ngoài được các căn nhận làm đối tượng cũng như cảnh, sắc đối với mắt; âm thanh đối với tai; mùi, hương đối với mũi; vị nếm đối với lưỡi; đụng chạm, tiếp xúc đối với thân...
Từ 6 căn chúng sinh nhận định và biết được 6 trần bằng 6 thức. Sáu thức đó mà Duy thức học gọi là:
-"Tâm Vương" (6): Nhãn thức (nhận biết của mắt); nhĩ thức (nhận biết của tai); tĩ thức (nhận biết của mũi); thiệt thức (nhận biết của lưỡi); thân thức (nhận biết của thân); ý thức (nhận biết của pháp) hay là thức thứ sáu; và trong Tâm Vương còn hai thức khác là: Thức thứ bảy hay là Mạt Na Thức (ý thức về cái Ngã, cái Ta); và Thức Thứ Tám hay A Lại Da Thức (Tàng thức, là cái túi chứa đựng mọi nghiệp Thiện, Ác hay Vô ký (không thiện, không ác) của mọi chúng sinh trong cuộc sống).
Ở đây, chúng tôi muốn lấy một ví dụ để chúng ta có thể hiểu rõ hơn về các thức này:
‘Cây đó có hoa. Hoa của nó màu sắc rất là đẹp, hình dáng hài hòa, thật hấp dẫn, khiến ai thấy cũng thích. Tôi muốn chiếm hữu làm của riêng mình. Nhưng có thằng bé đến muốn nhổ cây hoa. Tôi đuổi nó đi và đến bứng đem về nhà’.
Trong thí dụ ấy nói đến điều gì?
-‘Cây đó có hoa’: ý nói ‘mắt’ (căn) nhìn thấy được ‘cây có hoa’ (đối cảnh hay đối tượng).
-‘Hoa của nó màu sắc rất là đẹp, hình dáng hài hòa, thật hấp dẫn, khiến ai thấy cũng thích’: nhận xét của ‘ý thức’ (thức thứ sáu) về hoa của cây có hoa đó.
-‘Tôi muốn chiếm hữu làm của riêng mình’: ‘ý thức’ muốn cây có hoa ấy phải thuộc ‘về mình’, ‘về ta’ (thuộc về cái Ngã). Ý thức này được gọi là Mạt Na Thức (Thức Thứ Bảy), hay để phân biệt với Thức thứ Sáu (ý thức) nên thức này còn được gọi là Ý Căn.
-‘Nhưng có thằng bé đến muốn nhổ cây hoa’: Sự ‘muốn chiếm hữu’ của mình có nguy cơ bị mất.
-‘Tôi đuổi nó đi và đến bứng đem về nhà’: Tôi dùng đến sức mạnh, ỷ lớn hiếp nhỏ để đuổi thằng bé và chiếm cây có hoa làm của riêng. Như vậy theo luật nhân quả tôi đã ‘tạo nhân xấu’ đối với thằng bé, nhân xấu ấy được ‘tàng chứa’ trong ‘cái túi chứa A Lại Da Thức’ (Thức Thứ Tám). Đến khi đủ nhân duyên thuận tiện ‘nhân’ sẽ nẫy mầm, khi ấy tôi phải trả ‘quả’ cho nó, có thể trong kiếp này, hay kiếp sau hoặc ở những kiếp lâu dài về sau không chừng.
Hi vọng với thí dụ này giúp cho chúng ta có thể hiểu về các trường hợp tương tự đối với tai, mũi, lưỡi, thân một cách dễ dàng hơn, cũng như nhận định về Duy Thức trong các trường hợp khác của cuộc sống.
Với Duy Thức này cũng còn cho chúng ta hiểu rõ hơn: Tại sao trong Đạo Phật chủ trương là "Vô Ngã"("Nhứt thế pháp vô ngã": Mọi pháp đều Vô Ngã)? Vì thực ra "Tâm" mọi chúng sinh đều như nhau, bình đẳng và "vô ngã" (không phân biệt ta, người, chúng sinh, ngay cả tướng thọ mạng), tất cả đều "viên dung" với các đại khác trong một thể "không hai" (bất nhị) ở cõi gọi là Niết Bàn, Viên Giác, Chơn Như, Không Như Lai Tạng, Đại Viên Cảnh Trí, và bằng nhiều danh từ khác nữa. Vì do "không biết" (Vô minh) mà sinh ra ý "cần có ngã" (Vọng tâm) và ‘có tâm phân biệt’; để rồi mượn tứ đại tạo thành "thân ngã" tạm bợ có sinh lão bệnh tử, như vậy tất cả những cái ngã đó chỉ là vay mượn tạm, không phải là Thật. Cái Ngã thật chỉ có là "Chơn Tâm", là "Phật tánh" không thôi! Muốn thoát khỏi sinh tử luân hồi thì mọi cái "ngã giả" phải trả về cho nguyên gốc của nó và ‘không mượn nữa’ hay đúng hơn là: Trong túi chứa A Lại Da Thức không còn có nhân xấu (hay Nghiệp) nào nữa thì lúc ấy ‘Túi A Lại Da Thức’ bị ‘vỡ tan’ và tâm của chúng sinh lại được ‘khuếch tán, trương lớn’ cùng khắp hư không (cảnh Đại Viên Cảnh Trí) về với "Cõi Chơn tâm" để trở thành bậc Giác Ngộ. Lúc ấy, "Tâm" của chúng sinh mới được tự tại vô ngại như thuở ban đầu trong cùng khắp hư không, muốn lớn được lớn, muốn nhỏ được nhỏ v.v... mà Đức Phật đã ví dụ "như quặng vàng đã được tôi luyện thành vàng ròng; đã là vàng ròng rồi thì không trở lại là quặng nữa", tức là sẽ không bao giờ bị ‘Vô minh’ lôi cuốn vào cảnh Luân Hồi nữa, trừ khi vì nguyện lực mình muốn vào cảnh Luân hồi để độ chúng sinh như những Bậc Bồ Tát hay các Đức Phật đã làm!
Với cái "ngã" về thân, nó đòi hỏi chúng ta rất nhiều vấn đề, nhiều nhu cầu "phải được" đáp ứng trong cuộc sống; và nó chi phối con người phải luôn lo nghĩ, mưu cầu, hay tìm đủ mọi cách để thỏa mãn cho nó; mà "Mạt Na thức" là cái thức chính yếu để chúng sinh nghĩ về mình, làm cho mình, chấp về mình (ngã si, ngã kiến, ngã mạn, ngã ái).
Với những nhận thức được từ Tiền ngũ thức (nhãn thức, nhĩ thức, tĩ thức, thiệt thức, thân thức), chúng sinh chỉ nhận định được những vật, hiện tượng, biến cố... chung quanh hay trong vũ trụ; và với "ý thức" chúng sinh lại được hiểu rõ, nhận định ‘chính xác, đầy đủ’ hơn. Nếu chỉ với sáu thức đó thôi như các triết thuyết thế gian đã chủ trương thì khi con người, chúng sinh chết đi sẽ không còn có một cái gì để làm căn bản "tái sinh" mà duy trì sự nối tiếp của vạn vật, vạn hữu trong vũ trụ nầy cho đến ngày nay cả; vì "ý thức" dễ bị diệt không còn trong năm trường hợp mà Hòa Thượng Thích Thiện Hoa đã kể trong Phật Học Phổ Thông khóa IX, trang 154 như sau:
1/ Trời Vô tưởng; do hành giả khi tu định, nhàm ghét diệt trừ cái "tưởng", mà được sanh về cõi trời này, nên cõi trời này không có ý thức.
2/ Nhập định Vô tưởng; do hành giả diệt trừ sáu thức trước, mới được định này.
3/ Nhập định Diệt tận; do hành giả diệt trừ phần hiện hành của bảy thức trước, mới được định này. Hai định trên đây đều không có "ý thức".
4/ Khi ngủ mê không chiêm bao, cũng không có ý thức.
5/ Khi bịnh nặng gần chết, hoặc khi bất tỉnh nhân sự (chết giả) cũng không có ý thức.
Nhưng trên thế gian mọi việc vẫn được tương tục, hết cái nầy đến cái khác. Chúng sinh nầy chết đi thì chúng sinh khác được sinh ra, thế thì tại sao? Trong Đạo Phật ngoài Tiền Ngũ Thức và Ý Thức ra, còn có Thức Thứ Bảy (Mạt Na Thức) và Thức Thứ Tám (A Lại Da Thức). Mạt Na Thức là cái "Ngã", cái ngã nầy là "chủ" của mọi hành động tạo nghiệp (sát, đạo, dâm, vọng) từ thân hành động, tạo tác; ý suy nghĩ; và ngay trong ngôn ngữ lời nói nữa (thân, khẩu, ý). Rồi hậu quả của những việc làm đó đều được đưa vào "cái túi" chứa (A Lại Da Thức), như là nơi chứa những "hạt nhân" (chủng tử) truyền từ kiếp nầy đến kiếp khác. Tùy theo từng lúc, từng thời kỳ mà những hạt nhân (thiện, ác hay vô ký tức không thiện không ác) kia sẽ nẫy mầm để chúng sinh phải "trả quả". Những hạt nhân đó, có thể sẽ nẩy mầm ngay trong hiện kiếp, hay đợi đến kiếp sau, hoặc thật lâu vào những kiếp sau nữa. Hai thức nầy không bị diệt mà vẫn tiếp nối đến khi nào chúng sinh trở thành Bậc Giác Ngộ thì nó trở thành Bình Đẳng Tánh Trí hay Tha Thọ Dụng (Mạt Na Thức); và A Lại Da Thức thành Đại Viên Cảnh Trí. Lúc đó các thức trả về cho Kiến đại, thân xác trả về cho tứ đại và Tâm cũng không còn phân biệt ta người, năng sở (Vô ngã) để trở về với cõi Bất Nhị (không hai), trở về với Chơn Tâm (bản giác diệu minh minh diệu). Thế cho nên Đức Phật đã nói chúng sinh vì Vô minh đi vào cõi Luân hồi như đi vào giấc mộng. Và chính vì chúng sinh, con người có "thân giả" nên cần có "pháp giả" để lôi cuốn chúng sinh rời khỏi giấc mộng mà trở về với Chơn Tâm, chứ thực ra chúng sinh "vốn đã thành Phật từ xưa đến giờ", vì chúng sinh vốn ban đầu đã từ trong cõi Phật mà ra đi. Cho nên, Đức Phật đã thuyết giảng bao nhiêu năm dài nhưng cuối cùng Ngài đã thốt lên: "Bao nhiêu năm ta chưa nói một lời", vì "thuyết" cho những "cái giả" chỉ bằng những "lời giả" mà thôi, chứ chưa phải là "lời thật"!
Chính vì ‘gieo nhân, gặt quả’ ấy mà đã lôi kéo con người, chúng sinh tương tục tái sinh, từ kiếp này cho đến kiếp khác trong cõi Luân hồi. Vì vậy mà: ‘chúng sinh thì sợ quả, còn Bậc Bồ Tát thì sợ nhân’!
Và để chúng ta có thể hiểu rõ về "tính ưu thế" của Triết học Duy Thức hơn, chúng tôi xin ghi lại đoạn giảng của Hòa Thượng Thích Tâm Thanh trong bộ băng giảng "Duy Thức Học" như sau:
"....Và chúng tôi đã so sánh hôm trước để ở phần đầu để cho quý vị nhận rõ rằng tất cả từ trước tới nay đều có những quan niệm, những khái niệm hay là những triết thuyết là Duy Tâm, Duy Vật, Duy Linh, Duy Lý, và trong đó có Duy Thức. Thế thì Duy Tâm, Duy Vật, Duy Linh, Duy Lý, tất cả những cái Duy đó đều được nhận thức một cách sai lầm, sai lầm bởi vì sao? Nếu là Duy Tâm mà hiểu Duy Tâm có nghĩa là bao hàm chủ thể nhận thức và đối tượng nhận thức thì đó mới gọi là Duy Tâm được. Đàng này quan niệm của Duy Tâm, khái niệm của Duy Tâm là Duy Tâm đó tách rời ra khỏi đối tượng nhận thức; hay là Duy Vật cũng tách rời ra khỏi đối tượng nhận thức; nếu Duy Vật là chủ thể nhận thức thì tâm là đối tượng nhận thức; ngược lại Duy Tâm thì tâm là chủ thể nhận thức và vật là đối tượng nhận thức. Nếu hai cái đó tách ra thì đó là nhận thức rất là sai lầm. Sai lầm vì sao? Theo Duy Thức Học thì Duy Thức có nghĩa là bao hàm cả chủ thể nhận thức và đối tượng nhận thức thì mới gọi là thức. Nếu có đối tượng mà không có chủ thể thì sao? Ai là người nhận thức? Và nếu có người nhận thức mà không có đối tượng thì như thế nào? Ví dụ đây là cuốn sách, thế thì tại sao biết nó là cuốn sách, tại sao? Vì có chủ thể nhận thức (à) thì mới biết đây là quyển sách; nếu không có chủ thể nhận sách mà chỉ có muôn vật trong vũ trụ này thì không có chủ thể nhận thức thì như thế nào? Thì biết vạn hữu vũ trụ là cái gì mà gọi là sông, là núi, là trăng, là sao, là biển, là hồ, là nhà, là cửa xe cộ. Cái gì biết được cái đó? Cái đó gọi là chủ thể, cái biết cái đó là chủ thể nhận thức. Ngược lại có chủ thể nhận thức mà không có đối tượng nhận thức thì chủ thể nhận thức nhận thức cái gì? Quý vị hiểu chưa? Hôm nay nắm vững cái này chưa? à! do đó mà nếu chủ thể nhận thức mà nó tách rời ra khỏi đối tượng nhận thức thì đó là điều sai lầm. Vì thế mà Duy thức học xác định rằng: Cái nhận thức là sự lãnh hội, là sự tư duy, là sự phân biệt nhưng thường thường với thế gian thường khuynh hướng rằng cái nhận thức đó tách rời ra khỏi đối tượng nhận thức; mà khi đã nhận thức như thế thì đó là sự (sai lầm). Nói tóm lại, Duy Thức Học cho cái sự nhận thức này nó bao hàm cho cả chủ thể nhận thức và đối tượng nhận thức thì mới gọi là Duy Thức được".
Ở trên, chúng ta đã đề cập đến 8 pháp Tâm Vương, trong đó Mạt Na Thức là Tâm Vương chi phối và điều khiển hầu hết mọi hành động từ "Thân, Khẩu, Ý" của chúng sinh. Những "tội lỗi" hay "những điều thiện" mà chúng sinh tạo ra đều có liên hệ đến Mạt Na Thức: Nếu Mạt Na Thức chú trọng đến cái Ta, để cái Ta được sung sướng, có danh vọng, có khoái lạc thì mọi hành động sẽ là "giành giựt, cướp bóc, dùng mọi thủ đoạn, chém giết, dối gạt"... để lấy cho được những gì mà "Cái Ta" cần đến. Những việc làm, hành động trong cuộc sống ấy đều được "biến" thành "nhân" bỏ vào trong "túi A Lại Da Thức" đợi chờ đến thời kỳ nẫy mầm; và chúng sinh ấy phải trả "quả" trong một kiếp nào đó! Còn nếu "Cái Ta" không được Mạt Na Thức xem là quan trọng lắm, mà Mạt Na Thức còn thấy "có người" thì Mạt Na Thức sinh tâm bố thí, giúp đỡ, nhường người... cuộc sống của chúng sinh ấy được "thiện hơn" và gây được nhiều "nhân thiện" tích chứa vào "túi A Lại Da Thức" để về sau hưởng được quả tốt. Một khi "nhân xấu" không còn hiện diện trong "túi A Lại Da Thức" thì chúng sinh ấy lập tức trở thành Phật, thành Giác Ngộ và thoát khỏi vòng luân hồi. ‘Túi A Lại Da Thức’ lúc này cũng bị phá vỡ ra, tâm viên dung khắp hư không, vô ngại: Đó là cảnh ‘Đại Viên Cảnh trí’ hay Niết bàn, Yêm Ma La Thức hoặc cõi Chơn Tâm... vậy! Do đó, người tu hành tức là những người "muốn chấm dứt nhân tương lai, không tạo nghiệp mới và được trả những nhân, nghiệp trong quá khứ" để họ chóng đạt được an vui, tự tại trong cõi Niết bàn!
-Đề cập đến phần nầy, Duy Thức nói đến 5 pháp Biến Hành khởi đầu khi chúng sinh bắt đầu có "căn" tiếp xúc với "trần" tức là: Mới đầu tiếp xúc với việc hay vật (xúc); rồi khởi ý (tác ý); Mạt Na Thức muốn lãnh thọ (thọ); nên thường tưởng nhớ (tưởng) và lo nghĩ, tìm cách tạo tác để chiếm hữu (tư).
-Tiếp theo là 5 pháp Biệt Cảnh: Dục (mong muốn); nhưng lại Thắng Giải (hiểu biết rõ ràng); rồi Niệm (nhớ); Định (không để tâm tán loạn); và Huệ (sáng tỏ, sáng suốt lựa chọn).
Có hai con đường lựa chọn để hành động: Theo "thiện" hoặc theo "ác".
-Tâm sở Thiện (11 pháp): Các tâm sở nầy hướng, kềm chế chúng sinh, con người khiến họ hành động theo con đường thiện, gồm có: Tín (Tin những gì chơn thật, nghiệp dụng làm cho tâm thanh tịnh); Tinh tấn (tinh chuyên và tinh tấn hơn nữa); Tàm (biết xấu hổ); Quí (biết thẹn với người); Vô tham (không tham lam); Vô sân (không sân hận); Vô si (không si mê); Khinh an (lòng nhẹ nhàng, thơ thới); Bất phóng dật (không buông lung, phóng túng); Hành xả (làm rồi không chấp trước) và Bất hại (không muốn làm tổn hại đến ai).
-Căn bản phiền não (6 pháp): Nếu Tâm sở Thiện làm cho con người chúng sinh hành động tốt, lòng thơ thới hân hoan thì bên cạnh đó tâm con người, chúng sinh còn có những tâm sở khiến chính mình phải bực bội, tức giận, phiền não và đi vào con đường ác, không thiện để phục vụ cho "cái Ngã Mạt Na Thức". Sáu pháp phiền não đó là: Tham (tính tham lam, ưa thích tài sắc, danh vọng, sung sướng); Sân (không đạt được thì giận ghét, nổi nóng); Si (sau đó thì mê muội, không biết đúng, phải trái); Mạn (đạt được thì sinh ra khinh mạn); Nghi (nghi ngờ) nhất là không đạt được thì nghi ngờ người nầy, người kia rồi sinh tâm có Ác kiến (thấy biết thuộc về tội ác, nhiễm ô. Ác kiến có: Thân kiến, Biên kiến, Tà kiến, Kiến thủ, và Giới cấm thủ).
-Đã vậy, ngoài 6 phiền não chính, còn có thêm 20 phiền não khác phụ theo "căn bản phiền não" ấy để làm cho con người, chúng sinh càng thêm phiền não. Thế cuộc đời mới có nhiều khổ hơn vui!
Hai mươi pháp đó gọi là Tùy phiền não.
Tùy Phiền Não gồm có:
a/ Tiểu tùy (10 pháp): Phẫn (giận); Hận (hờn); Phú (che giấu tội lỗi vì sợ mất danh giá hay lợi lộc); Não (buồn buồn, phiền muộn); Tật (Tật đố, ganh ghét những người thành công hay hơn mình); Xan (bỏn xẻn, keo kiết); Cuống (dối gạt người để lợi mình); Siểm (bợ đỡ, nịnh hót để đạt được ý muốn); Hại (Làm tổn hại đến người, loài khác); Kiêu (kiêu căng, phách lối).
b/ Trung tùy (2 pháp): Vô tàm (tự mình không biết xấu hổ); Vô quí (không biết thẹn với người).
c/ Đại tùy (8 pháp): Trạo cử (Lao chao, tâm chao động không yên tịnh); Hôn trầm (Mờ tối trầm trọng thiếu sáng suốt); Bất tín (không tin các pháp lành); Giãi đãi (biếng nhác, trễ nải không lo đoạn ác, tu thiện); Phóng dật (buông lung, phóng túng không thúc liễm thân tâm để đoạn ác tu thiện); Thất niệm (mất chánh niệm); Tán loạn (Rối loạn); Bất chánh tri (biết không chơn chánh).
-Trong 51 Tâm sở còn có 4 pháp Bất Định, tức là các pháp nầy không nhứt định thiện hay ác: Hối (ăn năn việc làm đã qua); Miên (ngủ); Tầm (tìm cầu); Tư (chính chắn xét).
Ngoài 11 Sắc Pháp, 8 Tâm Vương, 51 Tâm Sở ra Duy Thức còn có 24 pháp Bất Tương Hành Pháp cộng chung là 94 pháp của Pháp Hữu Vi (có sanh diệt, biến đổi) và 6 pháp thuộc Pháp Vô Vi (là những gì không tạo tác, không sanh diệt, không tăng giảm, vắng lặng thường còn) vị chi tất cả là 100 pháp. Tuy nhiên, chúng không nằm trong phần tìm hiểu của chúng ta, cho nên chúng tôi nghĩ không cần thiết phải ghi ra đây.
Đó là 100 pháp của "Triết lý Nhân sinh" Duy Thức Học (hay Tâm lý học của Phật giáo) để phân tích về con người, hoặc chúng sinh trên đường luân hồi hoặc những phiền não vui buồn trong cuộc sống. Sự phân tích cặn kẽ tâm lý con người từ những việc lớn như lòng tham, sân và si mê để tạo nên nghiệp, đến những chi li của tâm lý khi không thành công thì tâm lý bị rối loạn (tán loạn) hay trầm uất như hờn giận (phẫn, hận), buồn phiền (não), rồi lại sanh ra nhiều biến thái tính ý khác hoặc phải bệnh hoạn về tinh thần... Chính vì điều ấy mà Duy Thức Học đã được các nhà Phân Tâm Học chú trọng đến như là lý thuyết và thực dụng đã đi trước sự khám phá và thử nghiệm của họ cả trên hai ngàn năm.
Ngoài ra, Đạo Phật còn có "Thuyết Thập Nhị Nhân Duyên" khái quát hơn. Chúng ta cũng sẽ lược qua vậy.
II- Thuyết Thập Nhị Nhân Duyên:
Đức Phật từ lúc thành đạo đã có nhiều thời gian để suy niệm về Thập Nhị Nhân Duyên. Ngài đã suy niệm theo chiều xuôi: ‘Khi cái nầy (nguyên nhơn) có, thì cái nầy (kết quả) có. Với sự phát sanh của cái nầy (nhơn), cái nầy (quả) phát sanh’.
Ngài thấy Vô Minh là khởi đầu cho Hành. Chính vì vô minh mà không hiểu được những lý, sự của pháp, của mọi sự việc mà đã đưa đến chọn hành động, tạo tác. Từ Hành sinh ra Thức; để rồi từ hiểu biết phân biệt đó mà mượn đến tứ đại tạo nên Danh Sắc. Có Danh Sắc thì có Lục Nhập tức 6 căn nhập vào để nhìn thấy, quán sát, tiếp cận với 6 trần. Có tiếp xúc (Xúc) thì mới cảm thọ (Thọ). Có thọ mới có thích (Ái). Thích mới muốn chiếm giữ (Thủ) để có được (Hữu). Từ đó mới có Sinh, có sinh ra thì có lớn lên rồi già (Lão), Bệnh, chết (Tử). Phiền não, Ta thán, Đau khổ, Âu sầu, và Thất vọng.
Cho nên, trong Kinh Kiến Chính, Đức Phật thuyết:
"Phật bảo:
-Này các đệ tử! Sanh tử cũng như thế đấy, thần thức là pháp khởi đầu tiên, mà sanh ra pháp ấy lại chính là Si nghĩa là vì ngu si sinh ra say đắm. Vậy Si cũng như hạt giống của cây kia, hạt nó tuy nhỏ nhưng có đủ sức thành được cây rất lớn.
Do gốc ở ngu si mà sanh ra không biết bao nhiêu nhân duyên. Vậy tất cả nhân duyên đều bởi Si (Vô minh), Vô Minh sinh ra Hành (khởi ra hành vi tạo tác), Hành sinh ra Thức (tính phân biệt hiểu biết), Thức sinh ra Danh Sắc (tên và hình, tức là Thân và Tâm), Danh Sắc sinh ra Lục Nhập (sáu căn: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý), Lục Nhập sinh ra Xúc (cảm xúc), Xúc sinh ra Thọ (nhận lấy như là hưởng thụ), Thọ sinh ra Ái (yêu mến say đắm), Ái sinh ra Thủ (giữ lấy), Thủ sinh ra Hữu (có), Hữu sinh ra Sinh, Sinh sinh ra Già, Bịnh, Chết. Hợp cả mười hai nhân duyên lại thành ra có thân này. Khi có thân này rồi lại phải có già, bịnh, chết. Thần thức biến chuyển đổi theo với hành nghiệp (tùy theo nghiệp thiện ác của mình mà đi tới chỗ: phưóc, tội). Bấy giờ lại có cha mẹ, lại mang hình thể khác, đổi cả sáu căn, đổi chỗ tập quen, chịu lấy mọi sự khổ vui. Tất cả phong tục cũng đều bị đổi, không còn có chi là như cũ nữa. Như thế là không còn trở lại và cũng không còn biết được các việc cũ nữa. Từ đấy theo ý kiến mới, nhận lấy chỗ mới cho là có thực, là thường còn mãi mãi, vướng mắc vào những cảnh vui, giả dối, hiện tại, nhận đấy là đúng thực, rồi cho là không có đời trước và đời sau nữa.
Có biết đâu: Đời trước và đời sau đều bởi thần thức biến chuyển dời đổi mà có; khi thần thức đã dời đổi đi thì lại có cha mẹ khác, lại mang lấy sắc thân mới, thay đổi cả sáu căn, cho chí phong tục tập quán khổ vui cũng đều thay đổi khác hết, tức khắc là không biết gì đến những việc đời khác nữa, và cũng không trở lại với sắc thân cũ nữa, cũng ví như cái cây ta trông thấy kia, không sao trở thành cái hạt được". (trang 3-4, sách Kinh Vô Lượng Thọ...)
Và, Hòa Thượng Thích Thiện Hoa đã soạn thành bài để học, nghiên cứu trong Phật Học Phổ Thông khóa V (từ trang 390 đến 393) như sau:
"Con người do đâu mà có?
Để giải đáp vấn đề này, đạo Phật có thuyết "mười hai nhân duyên".
Trong mười hai nhân duyên ấy, vô minh là căn bản. Vô minh là gì? Tức là đối với sự lý, không rõ biết được đúng như thật. Do đó mà sanh ra mê lầm, thật cho là giả, giả cho là thật, điên đảo hư vọng chấp ngã, chấp pháp, phân biệt mình, người; rồi theo cảnh thuận nghịch mà khởi phiền não, nên cũng gọi là "hoặc". Từ mê hoặc mà tạo tác ra các nghiệp, hoặc thiện hoặc ác. Sự tạo tác ấy gọi là "Hành", chi thứ hai trong mười hai nhân duyên.
Do nghiệp lành dữ huân tập chứa nhóm thành ra "nghiệp thức". Nghiệp thức này theo chỗ huân tập thuần thục rồi thác sanh vào thai mẹ, đó là món "Thức", chi thứ ba trong mười hai nhân duyên.
Trong thai mẹ, gom tinh huyết làm nhục thể, tâm thức cùng nhục thể hòa hiệp gọi là "Danh sắc" đó là chi thứ tư trong mười hai nhân duyên, (Danh: Tâm thức; Sắc: Nhục thể).
Từ Danh sắc lần lần tượng đủ sáu căn, gọi là "Lục nhập". Đó là chi thứ năm trong mười hai nhân duyên.
Sau khi ra khỏi thai, sáu căn xúc đối sáu trần, biết nóng, lạnh, đau, êm v. v... nên gọi là "Xúc", chi thứ sáu trong mười hai nhân duyên.
Do sự xúc chạm ấy, mà tâm dần dần sanh niệm phân biệt rồi có những sự giác thọ vui, khổ v.v... Đó gọi là "Thọ", chi thứ bảy trong mười hai nhân duyên.
Do sự cảm thọ vui, khổ, khởi niệm ưa ghét, chấp đắm ấy mà sanh ra có "Ái", chi thứ tám trong mười hai nhân duyên.
Vì tham ái nên tìm cầu nắm lấy cái hay cái tốt, cái ưa thích. Đó là "Thủ", chi thứ chín trong mười hai nhân duyên.
Muốn cho thỏa mãn chỗ nhiễm trưóc, ưa thích của "Ái" và "Thủ", nên phải tạo nghiệp. Nghiệp này có thể chiêu cảm quả báo vị lai, nên gọi là "Hữu", chi thứ mười trong mười hai nhân duyên.
Đã có "Hữu" là cái mầm giống, thì thế nào cũng có "Sanh" là chi thứ mười một trong mười hai nhân duyên.
Đã có "Sanh" thì phải có "Lão và Tử" là chi thứ mười hai trong mười hai nhân duyên.
Trong mười hai nhân duyên, "Vô minh" thuộc về "hoặc" và "Hành" thuộc "nghiệp". Đó là nhơn quá khứ. Do nhân quá khứ ấy mà có năm quả "Khổ" hiện tại là: Thức, Danh sắc, Lục nhập, Xúc và Thọ.
Do quả "Khổ" hiện tại nói trên mà khởi ra "Hoặc" là ái thủ và tạo "Nghiệp" là hữu, để làm nhơn cho quả "Khổ" sau là sanh và lão tử ở vị lai.
Như thế, từ nhơn quá khứ, sanh quả hiện tại, và quả hiện tại, lại làm nhơn cho quả tương lai, ba đời cứ nối tiếp xoay vần mãi không dứt, như một bánh xe xoay tròn, lên xuống, xuống lên không dừng nghỉ.
Cứ đó mà suy ra thì biết rằng, người chẳng sống một đời trong hiện tại này, mà trước kia, về quá khứ đã trải qua kông biết bao nhiêu đời sống rồi. Và sau nầy, trong vị lai, cũng sẽ còn vô lượng đời sống nữa. Người hiện sống đây để rồi chết, mà cái chết lại là cái nhơn làm thành đời sống vị lai.
Như thế, sống, chết nối tiếp theo nhau không bao giờ dứt, như những làn sóng, cái này tan đi để hiệp lại một cái khác, không bao giờ hết, nếu còn gió. Còn người, nếu gió vô minh còn thổi, thì dòng sanh mạng còn lưu chuyển, lăn trôi, chìm nổi mãi".
Không những Đức Phật đã suy niệm theo chiều xuôi mà Đức Phật còn suy niệm theo chiều ngược lại: ‘Khi nguyên nhơn nầy không còn thì quả nầy cũng không còn. Với sự chấm dứt của nhơn nầy, quả nầy cũng chấm dứt’.
Do đó, Vô minh chấm dứt thì Hành cũng chấm dứt. Hành chấm dứt thì Thức chấm dứt. Thức chấm dứt thì Danh Sắc chấm dứt. Danh Sắc chấm dứt thì Lục Nhập chấm dứt. Lục Nhập chấm dứt thì Xúc chấm dứt. Cũng thế, lần lượt Thọ, Ái, Thủ, Hữu, Sinh, Bệnh Tử, Phiền não, Ta thán, Đau khổ, Âu sầu, Thất vọng đều chấm dứt.
III- Duyên Khởi: Thập Nhị Nhân Duyên là khởi đầu cho thuyết Duyên Khởi: Chính vì Vô minh mà đã khởi động cho Hành, có Hành mới sinh ra Thức và tiếp theo là một chuỗi các sự kiện khác, những cái sinh ra sau là kết quả của cái hoặc sự kiện có trước, và chúng lại là nhân duyên cho những cái, sự kiện sinh ra sau nữa,... Các sự kiện cứ tiếp nối như thế cho đến vô cùng tận nên được gọi là ‘trùng trùng duyên khởi’.
Trong kiếp nhân sinh, con người không tránh được những duyên khởi đó. Nếu tính khởi đầu chỉ vì Vô minh mà chúng sinh lẫn con người đã ‘chuyển động’ để rời cõi Phật (cõi Chơn Tâm) với ‘vọng tâm và tâm phân biệt’ cho cá nhân mình, cho nên đã mượn tứ đại, kiến đại, hư không tạo thành thân xác làm nơi cho ‘Tâm’ mình trú ngụ trong đó. Từ đó, tâm bị kiềm chế trong trong thân xác ấy nên nó không còn có tính ‘tự sáng suốt, chiếu soi’ (Tánh giác diệu minh, bản giác minh diệu); và rồi nó bị lôi cuốn theo dòng ‘sự kiện tương tục’ của cuộc đời tạo nên bao ‘nghiệp chướng’ và phải chịu luân hồi để trả ‘quả’ những gì đã gây ra trong quá khứ hay hiện kiếp.
IV- Nghiệp và Luân Hồi: Mỗi cá nhân, chúng sinh giờ đã trở thành riêng biệt, chỉ nhận thức được qua hình thể cùng các giác quan của mình, cũng từ đó mới phân biệt tốt xấu, thiện ác, sang hèn, giàu nghèo, đói no, ngon dở.... Để cung phụng cho thân xác của mình tồn tại, con người, chúng sinh phải kiếm thức ăn nuôi sống thân mạng, muốn ăn ngon họ phải làm việc nhiều hơn nữa. Để chống với thời tiết lạnh lẽo bên ngoài người ta cần đến nhu cầu che thân; muốn đẹp, ấm hơn thì phải lao động càng cật lực.... Nhu cầu càng nhiều, càng cao thì sự làm việc cần phải năng nỗ hơn. Đó là chưa nói đến đến sự ham muốn ‘hơn người’ hoặc ‘đầy đủ’ hơn, người ta đã không nghĩ đến thiện ác mà sinh tâm lường gạt, dối trá, giành giật, đâm chém, cướp bóc không từ nan đến chuyện giết người để chiếm đoạt cho được điều mình muốn, gây nên những tội lỗi và điều ác, tức là đi đến chỗ mà Đức Phật gọi là ‘sát, đạo, dâm, vọng’ bằng các hành động từ thân làm, miệng nói, ý nghĩ khởi sinh (thân, khẩu, ý).
Bây giờ, do nơi ‘Tâm phân biệt’ mà cái ‘Ta’ trở nên quan trọng. Mọi hoạt động, việc làm, ý nghĩ gần như là để phục vụ cho cái ‘Ta’ thân xác và cái Ta tinh thần, không từ nan bất cứ một thủ đoạn nào để cái Ta ngoi lên hoặc tiến lên hàng đầu, do vậy mà ‘ân oán giang hồ’ đã gieo tới cho nhiều người, chúng sinh khác. Vô hình chung, con người, chúng sinh đã tạo cõi trần gian trở thành một chiến trường tranh đấu! Có vay nợ thì tất người, chúng sinh khác sẽ đòi; đã vay thì tất có trả, đã gây nhân ác và đem nhân nó ‘bỏ’ vào trong ‘túi A Lại Da Thức’ thì có ngày nó phải nẫy mầm lên để thành quả. Hay nói một cách khác là chúng sinh ấy đã tạo nên ‘nghiệp’! Khi chết đi, con người, chúng sinh không đem theo được gì cả ngoài ‘nghiệp’ ra Chính vì thế, các nhân ‘nghiệp’ ấy lôi kéo ‘Tâm thức’ của chúng sinh vào giai đoạn ‘tái sinh’ (có kiếp sau) để trả quả, tức vào giai đoạn ‘Luân Hồi’ bằng ‘oan oan tương báo’ mà trong ‘Thập Nhị Nhân Duyên’ được bắt đầu từ ‘Thức Tái sinh’ và tiếp theo là Danh Sắc, Lục Nhập, Xúc, Thọ, Ái, Thủ, Hữu....
Đức Phật có chỉ rõ: Tùy theo những nhân xấu tốt nhiều hay ít mà chúng sinh đi vào cõi nào trong 6 nẽo của vòng luân hồi: Trời, Người, A-Tu-La, Súc sinh, Ngạ Quỷ, hay Địa Ngục. Và cũng do nhân tốt, xấu trong giai đoạn tái sinh ấy nhiều hay ít mà con người trong cõi người có ‘thân xác, tinh thần, hoàn cảnh’ như thế nào: Xấu, đẹp hay tàn tật, nghèo hèn hay sang trọng, khốn khổ hay sung sướng, thông minh hay ngu đần ... v.v và v.v...!
Những điều giải thích và chứng minh này cho mỗi con người trong hoàn cảnh riêng biệt của họ ‘có vẻ’ đầy tính chất khoa học, lý trí hơn là trong dân gian người ta hay nói là ‘Trời ban’ hay ‘Trời đày’. Tuy nhiên, ý ‘trời ban, trời đày’ vẫn còn hay, hợp lý hơn là do ‘Đấng toàn năng, toàn thiện’ nào đó ban cho; như vậy chẳng quá ra ‘Đấng Tối Cao’ ấy chỉ là tạo con người để hành hạ con người mà chơi chứ chẳng là ‘toàn thiện, toàn năng’ bao giờ!
V- Khổ Đế: Nhiều người nghiên cứu về Đạo Phật hoặc do nhận định lầm lẫn, hoặc có nhiều nhà ngoại đạo không hiểu được cặn kẽ, cho rằng Đạo Phật chủ trương bi quan hay nhìn cuộc đời bằng sự khổ. Thực ra không là như thế! Thế giới nhân gian tự nó là khổ, không phải đến lúc Đức Phật nói khổ thì cuộc đời mới khổ. Như đã trình bày ở trên, trong cuộc sống nhân gian là một trường tranh đấu đầy những giành giựt, lừa đảo, chém giết cũng bởi muốn cái gì cũng cho ‘Ta’: Ta cần được sung sướng, Ta phải hơn người, Ta phải được mọi người tôn vinh, cung phụng, Ta phải thống lĩnh, cai trị nhiều người... Ngay cả tư tưởng của những người lãnh đạo tôn giáo của nhiều tôn giáo khác cũng thế, chứ không riêng gì người thường. Cho nên, trong cuộc sống đưa đến những hành động ‘sát, đạo, dâm, vọng’ từ ‘thân, khẩu, ý’ không thể tránh khỏi. Cho nên cuộc nhân gian đã phải chịu đựng nhiều đau khổ từ thiên nhiên như: Nóng lạnh, bệnh tật, thú dữ, thiên tai... Lại phải chịu thêm những cái khổ do đồng loại đưa đến như: Chiến tranh, mạnh ăn hiếp yếu, lừa đảo, cướp bóc, bắt làm nô lệ... Ngay như trong cuộc đời con người cũng đã là khổ! Nếu không vì thấy cái khổ của già, bệnh, chết thì chắc Thái tử Siddartha cũng chưa chiêm nghiệm để mà bỏ hoàng cung đi tìm đạo trong hơn 6 năm ròng rã. Đức Phật sau khi thành đạo đã tìm thấy chân lý của thế gian: Thế gian này vốn khổ do chính con người và môi trường chung quanh tạo nên, và ngay trong cả con người lẫn những sinh vật cùng cộng hưỡng trong cùng thế giới. Và Ngài mới nói về điều đó cho mọi người biết như là một Chân lý.
Ngài cũng phân tích các sự khổ một cách cặn kẽ: Khổ từ sinh, lão, bệnh, tử. Khổ cũng đến từ tiếp nối nhau (khổ khổ); hay hoại diệt (hoại khổ); thúc đẩy phải làm dù bằng sức lực hay ý nghĩ (hành khổ); thích mà không được, phải xa rời (Ái biệt ly khổ); mơ ước, mong muốn mà không được (cầu bất đắc khổ); không thích, không ưa mà cứ mãi gặp (Oán tắng hội khổ) và những đau khổ do năm ấm đem lại (Ngũ ấm xí thạnh khổ).
VI- Tập Đế: Người ta chỉ thấy, chú trọng cái mà Đức Phật nói lên, chỉ ra, mà người ta không để ý đến những điều mà Đức Phật sẽ phân tích trong phần Tập Đế và những Chân Lý khác tiếp theo trong phần Tứ Đế (Diệt Đế và Đạo Đế).
Sau khi nói lên một điều ‘Khổ’ hiển nhiên trong cuộc sống thế gian mà con người và những chúng sinh phải nhận lãnh, không thể tránh khỏi ấy, Đức Phật lại còn phân tích kỹ càng hơn các nỗi khổ đó từ đâu mà ra và do đâu mà có.
Vì muốn phục vụ, lo lắng cho ‘Cái ngã’ của Ta được no ấm, sung sướng, thành công, giàu sang phú quý, hơn người khác hoặc đạt được ý nguyện... mà người ta không từ nan mọi thủ đoạn dể đạt được nên đã đem khổ đến cho mình và cho người khác chỉ vì muốn ‘Thủ’, ‘Hữu’ cái mà mình ‘Ái, Dục’. Lòng ‘Tham’ lại càng gia tăng theo những thành công và thời gian nên nghiệp cũng từ đó mà lớn thêm.
Nếu vì nguyên nhân nào đó họ không đạt thành công, hoặc thất bại họ trở nên sân giận, thù hằn oán ghét. Để rồi đến một lúc si mê, họ không còn tỉnh táo mà trở nên hành động tội ác nhằm thõa mãn căm tức của họ. Họ đã đem nhân xấu bỏ vào trong túi chứa A Lại Da Thức của họ rồi để một mai trong kiếp này hay kiếp sau hoặc những kiếp sau họ sẽ nhận lấy quả của nó. Lại thêm một kiếp nữa để Luân Hồi.
Tham, Sân, Si này góp phần rất nhiều vào sự Luân Hồi của chúng sinh, cho nên Đức Phật gọi chúng là ‘Ba món độc’. Tuy nhiên, trong Duy Thức còn có ba tâm sở thiện để kềm chế chúng lại là ‘vô tham, vô sân, vô si’, nhất là ‘Tàm và Quý’ (biết xấu hỗ và thẹn, mắc cỡ) cũng hạn chế tội lỗi của con người lại cũng khá nhiều! Thế vẫn còn tốt hơn!
Ngoài ra, Đức Phật còn chỉ rõ thêm các phần khác cũng là những nguyên nhân làm cho con người đau khổ như: Mạn, Nghi, Ác kiến.
Như vậy, trong quá trình Đức Phật tìm ra Chân Lý thì phần Khổ Đế là những cái khổ mà chúng sinh tất nhiên nhận lãnh, dù bất cứ ai, dù cho là giáo chủ hay hoàng đế hoặc một người nghèo khổ, cùng đinh hiện diện trong thế gian cũng đều được sinh ra, lớn lên, già và chết. Không một ai không tránh khỏi! Như vậy Chân Lý ấy không thể xem đó là quan niệm của Đức Phật hay là Đạo Phật được. Cho nên những ai vin vào đó xem như là Đạo Phật chủ trương ‘Khổ’ thì quả là ‘Quá thiển cận’ và không hiểu gì về Đạo Phật cả!
Đức Phật phân tích nguyên nhân sự khổ là do từ đâu? Điều mà chúng ta có thể nhận xét là ‘ưu việt hay không’ chính là chỗ những nguyên nhân ấy có chính xác hay không mà thôi! Nếu hoàn toàn chính xác thì đó là Chân Lý mà Đức Phật đã tìm được với trí tuệ của mình. Nương vào hai Chân Lý hiển nhiên ấy, Đức Phật mới hướng dẫn con người, chúng sinh vào hai Chân Lý sau là Diệt Đế và Đạo Đế. Đó là hai Chân Lý mới đích thực là do Đức Phật tìm thấy nhằm chấm dứt sự khổ cho chúng sinh, con người thì Đạo Phật không phải là Đạo bi quan, chủ trương cuộc đời là khổ, mà chính cuộc đời là khổ trong tự thân của nó! Cho nên ở đây, chúng tôi không đặt Khổ Đế và Tập Đế vào trong phần II của Xuất thế Gian là vì vậy! Vì phần II là phần bàn về: ‘Con đường giải thoát’.
VII- Con người là chủ thể của giải thoát:
Đạo Phật thành hình từ sau khi Thái tử Siddartha đi tìm đạo và đạt được đạo; và Ngài truyền bá giáo pháp đó trong nhân gian hơn 45 năm đi hành đạo. Tuy nhiên, Ngài vẫn phủ nhận giáo pháp đó là của Ngài. Ngài chỉ là một ‘Đạo Sư’! Trong kinh điển Ngài cho biết giáo pháp đó là con đường tự nhiên mà bất cứ một người nào tu hành theo con đường đó cũng đều được giải thoát như Ngài, vì con đường ấy không phải đến Ngài mới có mà trước đó không biết bao giờ nhiều vị Phật trong quá khứ đã hành trì và cũng đạt được đạo và thành Phật tự lâu lắm rồi, cho nên Ngài chỉ là một đạo sư chỉ lại cho con người, chúng sinh đi sau hãy nương theo con dường ấy mà tự giải thoát lấy mình, vì con đường ấy cũng chính là con đường mà các Đức Phật trong tương lai phải trải qua. Điều ấy được thể hiện qua câu chuyện mà Quảng Hiền đã ghi lại trong bài viết của mình như sau:
Một thưở nọ, tại Kỳ Viên Tịnh Xá của trưởng lão Cấp Cô Độc gần thành Xá Vệ. Trong thời gian cư trú ở đây, Đức Phật thuyết pháp cho đại chúng vào lúc bốn giờ chiều mỗi ngày. Có một chàng thanh niên mỗi chiều đều đến đây để nghe chánh pháp.
Sau một thời gian, chàng có một thắc mắc muốn hỏi Đức Phật nên một buổi chiều nọ, người thanh niên quyết định đến Kỳ Viên Tịnh Xá trước giờ thuyết pháp để có thể gặp riêng Đức Phật và nêu thắc mắc của mình.
Người thanh niên đỉnh lễ Đức Phật và nói: “Bạch Đức Thế Tôn, con có điều hoài nghi, thắc mắc, mong Đức Thế Tôn mở lòng từ bi giảng giải cho con được rõ.”
Người thanh niên đỉnh lễ Đức Phật và nói: “Bạch Đức Thế Tôn, con có điều hoài nghi, thắc mắc, mong Đức Thế Tôn mở lòng từ bi giảng giải cho con được rõ.”
“Bạch Đức Thế Tôn, từ khi Ngài đến thành Savathi này để thuyết pháp độ sanh, trong số những người đến nghe pháp, có một số người đã chứng đắc đạo quả giải thoát, một số người khác tuy chưa chứng đắc được đạo quả giải thoát, nhưng gia đình họ trong sinh hoạt hàng ngày đã được sự an vui , một số người còn lại không những chưa chứng đắc được đạo quả giải thoát mà vẫn còn ở trong phiền não, khổ đau và trong số những người đó có con! Bạch Đức Thế Tôn, do nhân chi, xin Ngài mở lòng từ bi giảng giải cho chúng con được rõ.”
Đức Phật hỏi, “Này người thanh niên, ngươi chớ nên hoài nghi chánh pháp của Như Lai. Ngươi từ đâu đến?”
- “Dạ, con là người của Savathi này.”
Đức Phật lại hỏi, “Như Lai trông ngươi không phải là người của Savathi này, vậy ngươi từ đâu đến?”
- “Bạch Đức Thế Tôn, con là người của Vương Xá Thành, con đến Savathi này để lập nghiệp, con sống bằng nghề buôn bán.”
Đức Phật hỏi tiếp, “Này người thanh niên, tổ phụ của ngươi có còn ở Vương Xá thành không?”
- “Dạ còn.”
- “Người có thường tới lui thăm tổ phụ hay không?”
- "Dạ có.”
Đức Phật hỏi, “Vậy người có biết con đường đi từ đây đến nhà tổ phụ ngươi ở Vương Xá thành không?”
- “Bạch Đức Thế Tôn, con biết.”
- "Nếu như có một người ở Savathi này muốn đến nhà tổ phụ ngươi ở Vương Xá thành, liệu người có thể chỉ đường cho họ hay hướng dẩn cho họ đi hay không?”
- “Dạ được. Ở đây mà muốn về Vương Xá thành thì phải đi qua thành Ba La Nại, khi đến đó thì rẽ trái đi về hướng cây đa, từ đây bắt đầu đi về hướng Vương Xá thành, nhà tổ phụ con ở cách Vương Xá thành vài dặm, muốn đi thì con chỉ cho mà đi. ”
Đức Phật hỏi tiếp, “Này người thanh niên, nếu ngươi biết đường chỉ cho họ mà họ không đi thì họ có tới được nhà tổ phụ ngươi hay không?”
Người thanh niên nhìn Đức Phật, tỏ vẻ ngạc nhiên và hỏi lại, “Bạch Đức Thế Tôn, sao lạ vậy, con biết đường chỉ cho họ nhưng mà họ phải tự đi thì mới tới được, chứ không đi thì làm sao tới, con đâu có cầm tay ai mà dắt đi được đâu?”
Đức Phật trả lời: “Này người thanh niên, giáo pháp của Như Lai cũng như vậy. Con đường đi đến Niết Bàn, Như Lai đã từng đi qua, đi lại, đi tới, đi lui, Như Lai biết và chỉ cho chúng sinh, nhưng muốn đến thì chúng sinh phải tự đi, Như Lai là bậc toàn tri, toàn giác chứ không toàn năng nên Như Lai không thể đưa một người đến nơi mà họ muốn tới .nhưng họ lại không muốn tự đi.
Cũng tương tự như vậy, nếu ngươi muốn gia đình của mình được an vui thì hãy áp dụng lời dạy của Như Lai vào trong cuộc sống hàng ngày chứ Như Lai không thể ban hạnh phúc, an vui cho bất kỳ một ai được .”
Bởi thế mà Đức Phật đã kêu gọi: ‘Hãy thấp đuốc lên mà đi!’.
Ngài còn cho biết trong tất cả mọi loài chúng sinh trong sáu cõi Luân Hồi của Tam giới chỉ có con người nơi thế giới Ta Bà mới tu và đạt được đạo mà thôi; mặc dù trong cuộc đời này có nhiều khổ hơn là vui. Và Ngài đã nói đến ‘Bát nạn’ mà trong Từ Điển Phật Học Hán Việt do Phân Viện Nghiên Cứu Phật Học của Giáo Hội Phật Giáo việt Nam đã trích từ Kinh điển và ghi như sau:
Bát Nạn: Tám chỗ khó khăn chướng nạn. Chỉ tám thứ khó khăn trở ngại cho việc thấy Phật nghe Pháp. Kinh Duy Ma, phẩm Phương Tiện, Thiên Thai sớ, q.3: ‘Nói tám nạn thì thứ nhất là Địa ngục, Thứ hai là Ngã Quỉ; Thứ ba là Súc sinh; Thứ tư là Bắc-Uất-Đan-Việt, tức là người ở châu Bắc-Câu-Lư sống sung sướng, nên không ham tu học. Thứ năm là Trường Thọ thiên; người ở đây không có tâm tưởng nên không tu học được. Thứ sáu là đui điếc câm ngọng. Thứ bảy là Thế Trí Biện Thông, cậy mình thông biện, theo đòi thế sự nên không tu học. Thứ tám là sinh vào thời trước Phật, sau Phật’.
Xem như thế, chúng ta được làm con người, mà là con người ở cõi Ta Bà như hiện nay thì chúng ta rất là may mắn và có nhiều phước báu trong thời quá khứ: Vì chúng ta không bị đọa trong Địa Ngục; cũng chẳng bị làm chúng sinh trong loài Súc Sinh hay ở cõi Ngạ Quỷ. Ngoài ba nạn đó ra, chúng ta cũng không là chúng sinh ở châu Bắc-Uất-Đơn-Việt hay Trường-thọ-Thiên. Được làm con người nhưng chúng ta lành lặn, không bị câm, ngọng, đui, điếc cũng là quý lắm rồi; mà chúng ta cũng không phải là người tài giỏi, ỷ vào sức mình mà không hề để tâm đến Phật pháp. Chúng ta chỉ còn có một nạn thôi, mà nạn đó cũng không tròn vì chúng ta không là người sinh ra trước Phật. Mặc dù sinh sau Phật, ta vẫn có Phật pháp của Phật để lại mà học hỏi, nghiên cứu và hành trì. Chúng ta hiện đang có nhiều lợi thế để tiến tu mà vượt ra cửa ngõ của Luân Hồi. Một cơ hội ngàn năm một thuở! Cứ nghĩ rằng chúng ta trong lúc làm con người như thế này, chúng ta thỏa mãn với hiện tại mà không lo hành thiện, hoặc thích làm ác thì liệu kiếp sau chúng ta có thể làm người nữa hay không? Hay đến khi đó thì cả ngàn kiếp sau mới được quay trở lại làm người nơi cõi Ta Bà như hiện nay. Điều ấy khiến cho chúng ta cũng nên suy ngẫm để mà sống cho tương xứng với kiếp con người, dù không là năng nỗ trong trình tự tiến tu nhưng chúng ta cũng đừng nên bỏ qua một cơ hội tiến vào bờ mà Đức Phật gọi là ‘Bờ Giác’, lên bờ để tìm lại căn nhà xưa yêu dấu mà chúng ta đã ra đi không biết tự bao giờ để hoàn tất một cơ hội ngàn năm!
15-07-09.
Nguyên Thảo
Nguyên Thảo
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét